Xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định CPTPP tăng khá, song việc thu hút đầu tư từ các nước này lại không như ý, thậm chí giảm mạnh.
Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 18/2: “Lặng sóng” với mức thấp nhất 36.000 đồng/kgBộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả triển khai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019.
Tín hiệu mới
Trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.
“Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD”, Bộ Công Thương đánh giá về một tín hiệu đáng mừng.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước (trừ Australia giảm 11,4% so giảm mạnh xuất khẩu dầu thô sang thị trường này).
Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may. Một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%, sang Mexico tăng 27,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường các nước đã thực thi CPTPP về cơ bản là giảm hoặc tăng không đáng kể. Do đó, tác động tới cán cân thương mại đến từ hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đã thực thi CPTPP là thặng dư 3,9 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ 2018.
“Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mehico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam”, Bộ Công Thương đánh giá.
Có 27/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP trong đó đứng đầu là TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử,...
Ở một số địa phương, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang các nước CPTPP khá cao, ví dụ như Hà Nội (20,8%), Đà Nẵng (gần 40%).
Cơ hội xuất khẩu sang CPTPP còn nhiều, vấn đề là tận dụng được hay không
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh
Trái ngược với những đánh giá cho rằng CPTPP giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thì báo cáo sau 1 năm cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước CPTPP lại giảm.
Cụ thể, năm 2019 Việt Nam thu hút được gần 5,9 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm tới 38,8% so với năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 4,1 tỷ USD, giảm tới 52% so với năm 2018, còn vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm tới 69%, chỉ đạt hơn 1 tỷ USD.
Nhật Bản là nước có mức độ sụt giảm vốn đầu tư mạnh nhất, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tức là giảm khoảng 53%.
Australia và Malaysia cũng là những nước đầu tư vào Việt Nam năm 2019 giảm mạnh so với năm 2018 với mức sụt giảm lên tới 62% và 51%.
Tuy nhiên, một số nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam như Canada và Mexico lại ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể vốn đăng ký từ Canada vào Việt Nam đạt hơn 178 triệu USD, tăng hơn 95% so với năm 2018 trong khi vốn từ Mexico đạt 120 nghìn USD, tăng trưởng gần 1.100%. Nhưng phải nhìn nhận rằng, lượng vốn tăng thêm này là rất nhỏ.
Bộ Công Thương cho rằng: Mặc dù kết quả hoạt động xuất khẩu sang các nước CPTPP, đặc biệt là các nước mà Việt Nam chưa có FTA là tích cực, nhưng kết quả này có thể được nâng cao hơn nữa nếu khắc phục được một số tồn tại.
Cụ thể, chỉ có khoảng 40% số tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Thêm vào đó, nhiều tỉnh, thành cũng cho biết số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Ngoài ra, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang các nước CPTPP chưa có quan hệ FTA như Canada, Mehico thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản…
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về hiệp định. Đây là con số rất khiêm tốn và ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các doanh nghiệp.
0 Nhận xét